Cấp GCN đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định đã có rất nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khan và lập phương án xử lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa. Hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo UBND tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa cho các địa phương trên cơ sở đăng ký của các huyện. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện vẫn chậm so với kế hoạch.
Nguyên nhân chính được xác định là do bản đồ và hồ sơ địa chính tại nhiều địa phương không đầy đủ, đồng bộ, thiếu chính xác hoặc đã quá cũ nát gây khó khăn cho việc chỉnh lý bản đồ, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sự vào cuộc của UBND cấp huyện và UBND cấp xã chưa tích cực, kinh phí giành cho việc đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính chưa đáp ứng yêu cầu.
Đối với nội dung này, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định yêu cầu UBND tỉnh đôn đốc, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hồ sơ địa chính, bố trí đủ kinh phí, nhân lực để sớm hoàn thành việc cấp GCN đối với đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa. Giao chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể cho từng huyện, thành phố thực hiện; kiểm điểm trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện nếu không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa.
Nam Định đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (Ảnh: Thụy Khanh)
Chỉnh lý biến động đất đai
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định Phạm Văn Sơn cho biết: Sau khi hoàn thành việc sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh người dân làm thủ tục hành chính về đất đai thì địa chỉ thửa đất và địa chỉ của chủ sử dụng đất tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sẽ có sự thay đổi.
Để thực hiện sự thay đổi địa chỉ thửa đất, địa chỉ người sử dụng đất vào giấy chứng nhận (GCN), người sử dụng đất cần kê khai tại mục 3 nội dung biến động (nội dung trên Giấy chứng nhận trước khi biến động và sau khi biến động) của đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất).
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, thành phố đối chiếu với kết quả sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2022 để xác nhận biến động vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đã cấp hoặc cấp mới Giấy chứng nhận trong trường hợp người dân có nhu cầu. Như vậy, sau khi hoàn thành việc sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Nam Định, người dân làm thủ tục hành chính về đất đai chỉ phải kê khai tại đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (không phát sinh thêm bất cứ thủ tục nào khác).
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện việc chỉnh lý biến động đất đai tại Nam Định còn chậm chủ yếu do người dân chưa chủ động trong việc thực hiện đăng ký biến động đất đai và nếu không thực hiện đăng ký biến động đất đai, người dân cũng không phải nộp phạt.
Chỉ đạo xử lý vướng mắc này, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định Lê Quốc Chỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, đôn đốc UBND cấp huyện, thành phố triển khai cho UBND cấp xã tiến hành chỉnh lý biến động đất đai đảm bảo đồng bộ và kịp thời. UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã chủ động thông báo, hướng dẫn, hỗ trợ mọi người dân làm thủ tục đăng ký kê khai biến động đất đai ngay khi hoàn thành việc sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân và phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về đất đai của địa phương.
Tác giả: Thắng Phạm Đức
Nguồn tin: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn