Trước đó, trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 6/2022, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định, việc đấu giá đất đã nổi lên vấn đề không chỉ “thổi giá” mà còn “dìm giá”, rồi “quân xanh, quân đỏ”, làm biến động thị trường bất động sản, thất thoát tài sản Nhà nước, tạo mặt bằng giá mới ảnh hưởng đời sống kinh tế, sâu hơn nữa, rất nhiều hệ lụy. Đặc biệt, giá đất đó là ảo nhưng lại có thể thế chấp ở ngân hàng rồi rút tiền là thực, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ và nhiều vấn đề khác. Tình trạng này cần được xử lý triệt để để không gây hậu quả kéo dài.
Theo Bộ TN&MT, để xử lý trình trạng lãng phí đất đai, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2018, yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo xử lý các dự án đã được giao đất, cho thuê đất không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; các dự án chậm giải phóng mặt bằng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương rà soát, xử lý, công khai vi phạm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tổ chức các đoàn công tác tại các tỉnh, thành phố để kiểm tra, rà soát việc xử lý các dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất.
Trong năm 2022, thực hiện Nghị quyết số 155/NQ-CP ngày 08/12/2021 của Chính phủ và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ, giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế, xã hội phục hồi sau đại dịch COVID-19”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề án và đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngày 26/5/2022, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 3260/VPCP-NN, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã rà soát, hoàn thiện Đề án và trình Chính phủ phê duyệt.
Giá đất tại các địa phương đã cơ bản bình ổn
Nội dung Đề án đã tập trung đề xuất các giải pháp và cơ chế chính sách để giải quyết, đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, nhanh chóng giải phóng nguồn lực, tránh lãng phí, phòng chống tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất đai. Trong năm 2023, sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ở Trung ương và Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố tại địa phương để tổ chức chỉ đạo, thực hiện đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra trong năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thanh tra, kiểm tra dự án chậm tại Bình Thuận (đã thông báo kết luận kiểm tra và công khai các trường hợp vi phạm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Về vấn đề ngăn chặn kịp thời tình trạng làm giá, đưa thông tin không chính xác, xuyên tạc gây ảnh hưởng, lũng đoạn thị trường nhất là đối với bất động sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 1454/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 30/3/2021; Tổng cục Quản lý đất đai đã có Văn bản số 599/TCQLĐĐ-CKTPTQĐ ngày 02/4/2021 gửi các địa phương thực hiện các giải pháp ổn định giá đất, tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý về giá đất
Bộ Xây dựng đã có Công văn 989/BXD-QLN ngày 25/3/2021 đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có các biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý giá đất nói riêng và thị trường bất động sản nói chung. Đến nay, giá đất tại các địa phương đã cơ bản bình ổn, cơn sốt đất cục bộ tại các địa phương đã được kiểm soát.
Tác giả: Thắng Phạm Đức
Nguồn tin: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn