Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Lắk) tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vừa qua.
Theo đại biểu Dương Khắc Mai, áp lực từ việc gia tăng dân số, đặc biệt là tình hình dân di cư gia tăng nhanh và đời sống người dân ven rừng còn nhiều khó khăn, diện tích đất rừng thu hồi từ các công ty nông, lâm nghiệp, nông, lâm trường bàn giao về cho địa phương quản lý nằm rải rác, manh mún, liền kề với nương rẫy của người dân và chủ yếu là rừng gỗ nghèo, rừng lồ ô, tre, nứa tái sinh, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương.
Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng việc giao đất cho các nông, lâm trường trước đây chưa được đo đạc rõ ràng để quản lý bằng bản đồ và lưu trữ đầy đủ, nhiều trường hợp khi khoanh vẽ trên bản đồ có độ chính xác thấp, dẫn đến giao đất chồng chéo lên đất của một số tổ chức, cá nhân khác đang sử dụng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bên cạnh đó, quá trình lập hồ sơ, thủ tục thu hồi đất chỉ thực hiện theo hồ sơ quản lý nên khi tiến hành điều tra hiện trạng nhiều diện tích rừng đã bị giảm từ lâu và chỉ còn danh nghĩa trên giấy tờ. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần có những quy định trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này và các văn bản hướng dẫn để thi hành, có hướng giải quyết căn bản cho vấn đề này.
Về nội dung về hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ cá nhân và gia đình, tại khoản 1, Điều 173 quy định "hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 172 của luật này". Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cho phù hợp hơn với xu thế phát triển ngày nay là tích tụ ruộng đất, nhằm có vùng sản xuất lớn để tạo ra sản lượng và sự đồng bộ sản phẩm theo yêu cầu người tiêu dùng sản phẩm.
Tác giả: Thắng Phạm Đức
Nguồn tin: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn