* Xây dựng dữ liệu đất đai kết nối, chia sẻ phục vụ đa mục tiêu
Thực hiện mục tiêu này, trong thời gian qua, đến nay, ngành TN-MT đã hoàn thành số hóa, đưa vào sử dụng CSDL đất đai ở 397/705 đơn vị cấp huyện với 43 triệu thửa đất. Trong đó đã kết nối, chia sẻ 18 trường thông tin ở 56/63 tỉnh, thành phố; 316/705 đơn vị cấp huyện, 4.076/10.599 đơn vị cấp xã với hơn 24 triệu thửa đất, số lượng kết nối đang tiếp tục tăng. Các dịch vụ công trực tuyến sử dụng dữ liệu dân cư được triển khai, trong đó các thủ tục: Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ) đã được triển khai tại 50/63 tỉnh, thành phố.
Trong đó, chỉ tính riêng Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai, vay vốn Ngân hàng thế giới (dự án VILG) với thời gian thực hiện từ năm 2017 đến tháng 6/2023 tại 30 địa phương cho thấy, có 126/237 huyện thuộc 23 tỉnh thành phố số huyện đã hoàn thành CSDL đất đai với đầy đủ 4 thành phần (CSDL địa chính, CSDL thống kê kiểm kê đất đai, CSDL quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và CSDL giá đất). Trong đó có 09 tỉnh hoàn thành công tác xây dựng CSDL đất đai gồm Thái Bình (8/8 huyện), Hà Nam (6/6 huyện), Ninh Bình (3/3 huyện), Quảng Trị (9/9 huyện), Tây Ninh (6/6 huyện), An Giang (11/11/ huyện), Long An (15/15 huyện), Bến Tre (9/9 huyện) và Trà Vinh (9/9 huyện).
Bên cạnh đó, 210/237 huyện thuộc 29/30 tỉnh, thành phố tham gia dự án hoàn thành việc kết nối CSDL đất đai quốc gia. Trong đó, có 19 tỉnh hoàn thành kết nối toàn bộ các huyện tham gia dự án và ngoài ra có 23 huyện ngoài dự án cũng tham gia kết nối NLIS.
Đã có 24/30 tỉnh, thành phố kết nối liên thông thuế điện tử: đã thực hiện 24/30 tỉnh, thành phố; 18/30 tỉnh kết nối hệ thống 1 cửa điện tử; 30/30 tỉnh thuộc dự á đã thực hiện kết nối cổng dịch vụ công quốc gia dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai cấp độ 4.
Ông Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho rằng, Dự án VILG là dự án quan trọng nhằm giải quyết nhanh thủ tục hành chính cho người dân và hiện đại hóa công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Do đó, tỉnh đã chỉ đạo sẽ kết thúc xây dựng CSDL đất đai trên các huyện, thành phố thực hiện Dự án VILG trong tháng 2/2023. “Quan điểm của tỉnh là phải giám sát trong đo đạc địa chính để xây dựng CSDL đất đai, để CSDL đầu vào phải “sạch, sống” để phục vụ công tác quy hoạch, giá đất…”.
Đồng quan điểm này, bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên cho rằng, nếu không có Dự án VILG thì tỉnh cũng phải bỏ ngân sách ra để thực hiện việc xây dựng CSDL vì khi có CSDL đất đai, giá đất sẽ góp phần minh bạch công tác quản lý Nhà nước, giúp chúng ta yên tâm hơn khi xây dựng giá, công tác thẩm định giá. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành xây dựng CSDL đất đai tại 5/8 huyện, còn 3/8 huyện đang triển khai dự kiến sẽ kết thúc đúng tiến độ.
Với mục tiêu thiết lập CSDL quốc gia về đất đai thành một hệ thống thống nhất, liên thông, là nền tảng cơ sở cho triển khai công tác quản lý, nghiệp vụ, hoạt động về đất đai; cung cấp dữ liệu thông tin cho quản trị nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, ngày 29/12/2022, Bộ TN&MT đã chính thức kết nối CSDL đất đai với CSDL quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng. CSDL quốc gia về dân cư được Bộ Công an vận hành với 17 trường thông tin của 98,7 triệu công dân được số hóa. Đây được xem là dữ liệu gốc, một trong các tài nguyên số của quốc gia. Từ CSDL quan trọng này, Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân, đồng thời đã triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân có gắn chip điện tử với nhiều ưu điểm nổi bật cho công dân. Trong bối cảnh Luật Cư trú vừa có hiệu lực vào ngày 1/1/2023, việc liên kết hai CSDL này sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Đó là những dữ liệu đầy đủ, sống, sạch, phục vụ quản lý, người dân và an ninh quốc gia.
* Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai
Bộ TN&MT cho biết, năm 2023 sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện CSDL đất đai. Dự kiến, tới tháng 6/2023 sẽ hoàn thành CSDL đất đai của 454/705 huyện tại các địa bàn đông dân, đến hết năm 2023 đạt 550 huyện. Bộ TN-MT hướng tới xây dựng hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu, tập trung, thống nhất, bảo đảm hỗ trợ nghiệp vụ quản lý đất đai và giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần 2, Bộ TN&MT đang đề xuất bổ sung quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 159 về Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước; quy định cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng, vận hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai tại khoản 1 và khoản 3 Điều 160.
Bên cạnh đó, quy định trách nhiệm trong việc xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin quốc gia về đất đa, theo đó, CSDL quốc gia về đất đai được xây dựng thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, triển khai đồng bộ trong phạm vi cả nước gồm các thành phần: CSDL về văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; CSDL địa chính; CSDL điều tra, đánh giá đất đai; CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; CSDL giá đất; CSDL thống kê, kiểm kê đất đai; CSDL về thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; CSDL khác liên quan đến đất đai.
CSDL quốc gia về đất đai được thiết lập ở Bộ TN&MT và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành một hệ thống thống nhất, liên thông; là nền tảng cơ sở cho triển khai công tác quản lý, nghiệp vụ, hoạt động về đất đai; cung cấp dữ liệu thông tin cho quản trị nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số; tạo ra thông tin mới và các giá trị gia tăng; tạo nguồn thu từ phí cung cấp dữ liệu, thông tin đất đai để phát triển, duy trì, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai.
Tác giả: lisadmin
Nguồn tin: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn