Tổng cục Quản lý đất đai làm việc về triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra một số dự án trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Đăng lúc: Thứ tư - 10/03/2021 04:17
- Người đăng bài viết: Lê Minh Thùy
Tổng cục Quản lý đất đai làm việc về triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra một số dự án trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Ngày 10 tháng 3 năm 2021, tại trụ sở Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục trưởng Lê Thanh Khuyến đã chủ trì buổi làm việc với các đơn vị về về việc thành lập đoàn kiểm tra rà soát, lập hồ sơ xử lý đối với các dự án đã được gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định của Luật Đất đai nhưng vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, các Dự án trọng điểm về đất đai trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Tham dự buổi làm việc có Phó Tổng cục trưởng Đào Trung Chính, đại diện các đơn vị Vụ Chính sách và Pháp chế, Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất, Cục Đăng ký đất đai, Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Văn phòng. Tại buổi làm việc, Đại diện Cục Kiểm soát quản lý và Sử dụng đất đã có báo cáo về tình hình sử dụng, quản lý đất đai trên đia bàn Thành phố Hà Nội thời gian qua, đặc biệt là số liệu về các Dự án có sử dụng đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng, đất bỏ hoang, đất sử dụng không hiệu quả gây lãng phí nguồn tài nguyên và ngân sách nhà nước.
Về tình hình quản lý dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn. qua rà soát, TP có 383 dự án có dấu hiệu vi phạm quy định Luật Đất đai.
Trong đó, 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất; 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; 161 dự án có dấu hiệu vi phạm quy định Luật Đất đai.
Từ tháng 7/2018 đến nay, Sở TN&MT Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành TP và UBND cấp huyện rà soát, đối chiếu, triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 379 dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai.
Kết quả cho thấy, có 29 dự án (tổng diện tích 1.844,3ha) được kiến nghị trình UBND TP thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư.
Có thể kể đến như: Dự án Tổ hợp Công trình công cộng, chung cư cao tầng số 162 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên); Dự án Khu Du lịch Quốc tế cao cấp Tản Viên xã Cẩm Lĩnh, Tản Lĩnh, Thụy An (Ba Vì); Dự án Cải tạo xây dựng toà nhà văn phòng số 69 Nguyễn Du (Hai Bà Trưng); Dự án Khu dịch vụ đào tạo nhân sự cấp cao Phú Hoà và văn phòng làm việc tại Mễ Trì (Nam Từ Liêm); Dự án Đầu tư xây dựng kinh doanh, khai thác chợ lâm sản Thượng Cát, phường Thượng Cát (Bắc Từ Liêm).
Dự án Khu nhà ở hỗn hợp Phương Bắc tại Kim Chung (Hoài Đức); Dự án Xây dựng khu đô thị Tiến Xuân xã Tiến Xuân và Đông Xuân (Thạch Thất, Quốc Oai); Dự án Xây dựng khu biệt thự nhà vườn xã Tiến Xuân (Thạch Thất); Dự án Khu đô thị mới Vinalines, xã Đại Thịnh, Thanh Lâm, Tráng Việt (Mê Linh); Dự án Khu đô thị Việt Á, xã Thanh Lâm (Mê Linh).
Dự án Khu đô thị mới BMC, xã Đại Thịnh (Mê Linh); Dự án Khu đô thị mới Prime Group (Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh) xã Đại Thịnh, Tráng Việt (Mê Linh); Dự án Biệt thự nhà vườn tại Yên Bình (Thạch Thất); Dự án Văn phòng làm việc, trung tâm thương mại kết hợp nhà ở để bán đường Nguỵ Như Kon Tum, phường Nhân Chính, Thanh Xuân của Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật VACVINA; Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự Sunny Light, xã Yên Bình (Thạch Thất); Dự án Xây dựng nhà vườn, xã Yên Bình và Tiến Xuân (Thạch Thất)…
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng cho rằng công tác thanh tra kiểm tra về đất đai, đặc biệt trên địa bàn Thủ đô cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để. Những trường hợp đề xuất không lập hồ sơ thu hồi đất do bất khả kháng, yêu cầu Sở TN&MT làm rõ lý do, nguyên nhân cụ thể. Đồng thời, đề xuất phương án xử lý, giải quyết và phối hợp, xin ý kiến các đơn vị liên quan của Bộ TN&MT để thống nhất. Trên cơ sở đó tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét chỉ đạo.