Bình Thuận: Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất đai
Đăng lúc: Thứ ba - 30/03/2021 22:33
- Người đăng bài viết: Lê Minh Thùy
Bình Thuận: Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất đai
Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác quản lý đất đai, tỉnh Bình Thuận cũng còn gặp không ít khó khăn, tồn tại trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) và quản lý biến động đất đai. Để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, tỉnh đã yêu cầu các cấp cần tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo, xây dựng nhiều giải pháp sát sườn để thực hiện trong thời gian tới.
Công tác quản lý đất đai còn nhiều khó khăn Theo báo cáo giám sát của Đoàn giám sát HĐND tỉnh Bình Thuận, trong thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND cấp huyện, cấp xã đã có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai theo quy định; việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cấp Giấy chứng nhận và đăng ký biến động đất đai của hộ gia đình, cá nhân và tổ chức trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực; kết quả cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu hàng năm đều đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; việc theo dõi sự biến động về đất đai trong các giấy chứng nhận đã cấp được chú trọng hơn cùng với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Việc triển khai thực hiện Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận đã đạt được một số kết quả tích cực, phục vụ tốt hơn công tác quản lý đất đai của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý đất đai vẫn còn gặp không ít khó khăn, tồn tại. Cụ thể là, tỷ lệ giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận và đăng ký biến động đất đai cho hộ gia đình, cá nhân và tổ chức trên địa bàn tỉnh chưa cao; việc xác minh nguồn gốc, quá trình sử dụng đất ở cấp xã còn khó khăn, kéo dài; công tác đo đạc địa chính còn chậm trễ, chưa đáp ứng so với khối lượng công việc cần giải quyết; công tác tham mưu giải quyết hồ sơ cho tổ chức, cá nhân nhiều trường hợp còn thiếu sót, chưa đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ, có trường hợp không đúng quy định của pháp luật. Một số trường hợp cấp giấy chứng nhận có một phần diện tích chồng lấn với diện tích đất quy hoạch 3 loại rừng; tiến độ thực hiện Dự án Tổng thể còn chậm, kéo dài; kết quả cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân chưa đạt mục tiêu, yêu cầu của Dự án; chưa xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với tổ chức. Việc lập, cập nhật, chỉnh lý, quản lý hệ thống hồ sơ địa chính tại các địa phương chưa đồng bộ, đầy đủ theo quy định của pháp luật, nhất là ở các địa phương chưa thực hiện Dự án Tổng thể… Cũng theo báo cáo giám sát của Đoàn giám sát HĐND tỉnh Bình Thuận, Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nói trên là do: Số lượng hồ sơ thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai tăng đột biến tại một số địa phương trong các năm qua; trong khi nguồn lực cho công tác này chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tế của công việc. Bên cạnh đó, công tác tham mưu chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện, kiểm tra và hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận, quản lý biến động về đất đai trên địa bàn tỉnh có việc còn chậm. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình giải quyết hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân và tổ chức có lúc, có trường hợp chưa đồng bộ, chặt chẽ và kịp thời…
Bình Thuận sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận, quản lý biến động về đất đai.
Tập trung xây dựng các giải pháp sát sườn Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cấp giấy chứng nhận và quản lý biến động đất đai trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, tại Nghị Quyết số 43/NQ-HĐND ngày 03/12/2020, HĐND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm cụ thể như: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn chính sách, pháp luật về đất đai đến tất cả các ngành, các cấp, nhất là trong đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực đất đai và tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân; qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, đồng thời để mọi tổ chức, cá nhân được biết và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, giao Sở TN&MT thường xuyên cập nhật, rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền của tỉnh theo các quy định của Trung ương; đồng thời, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật chưa phù hợp tình hình thực tế của địa phương; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Tổng thể; tiến hành sơ kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Dự án, qua đó tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc bố trí nguồn lực đầu tư theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để hoàn thành Dự án trên phạm vi toàn tỉnh, vận hành thông suốt cơ sở quản lý dữ liệu đất đai của 124 xã, phường, thị trấn theo tiến độ đã đề ra, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý đất đai của địa phương. Đồng thời, Sở TN&MT và UBND cấp huyện cần xây dựng giải pháp tổ chức thực hiện việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai theo cơ chế một cửa liên thông đảm bảo trình tự, thủ tục theo đúng quy định; có cơ chế kiểm soát đặc biệt đối với việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận theo cơ chế một cửa liên thông và cấp giấy chứng nhận theo Dự án Tổng thể, định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện cho Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh; chấn chỉnh, khắc phục có hiệu quả tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn; tập trung giải quyết các hồ sơ đang còn tồn đọng ở cấp huyện, cấp xã hiện nay; thường xuyên tự kiểm tra, rà soát, khắc phục, sửa chữa, không để lặp lại các hạn chế, thiếu sót, sai phạm đã được kết luận qua các cuộc thanh tra của cấp trên trong công tác cấp giấy chứng nhận, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa… và những hạn chế, thiếu sót trong công tác lập, cập nhật, chỉnh lý và quản lý hồ sơ địa chính ở cấp huyện, cấp xã trong thời gian qua. Giao các Sở, ngành và UBND cấp huyện tiếp tục quán triệt sâu kỹ và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai; Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 17/5/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận về tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các sai phạm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong công tác cấp giấy chứng nhận và quản lý biến động đất đai trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, UBND huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp và các cơ quan, đơn vị liên quan cần tập trung rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận chồng lấn vào đất quy hoạch 03 loại rừng; xác định nguyên nhân, trách nhiệm và có giải pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với các giấy chứng nhận đã cấp chồng lấn vào diện tích quy hoạch 03 loại rừng thời gian qua.