Tổng cục Quản lý đất đai làm việc về hướng dẫn triển khai Đề án 112 tại 05 tỉnh Tây Nguyên
Đăng lúc: Thứ hai - 23/05/2022 06:11
- Người đăng bài viết: Lê Minh Thùy
Tổng cục Quản lý đất đai làm việc về hướng dẫn triển khai Đề án 112 tại 05 tỉnh Tây Nguyên
Ngày 23 tháng 5 năm 2022, tại Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Tổng cục trưởng Mai Văn Phấn đã chủ trì buổi làm việc về hướng dẫn triển khai Đề án 112 tại 05 tỉnh Tây Nguyên. Tham dự buổi làm việc có đại diện các đơn vị chuyên môn của Tổng cục và đại diện Sở TN&MT các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai và Lâm Đồng. Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng” (Đề án) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020. Theo đó, Đề án được thực hiện từ năm 2020 đến năm 2024 trên phạm vi 33/52 tỉnh có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Quản lý đất đai đã tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương lập Đề án để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tại buổi làm việc, đại diện Cục Đăng ký đất đai đã có báo cáo tóm tắt về tình hình triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng” tại 05 tỉnh Tây Nguyên.
Toàn cảnh buổi làm việc về Đề án 112
Công tác quản lý đất đai trên địa bàn Tây Nguyên trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các địa phương cơ bản đã quán triệt và triển khai tích cực nhiệm đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tạo nền tảng kỹ thuật cơ bản và thông tin chính xác cho công tác quản lý đất đai chặt chẽ, hiệu quả. Đây chính là điều kiện thuận lợi và nền tảng kinh nghiệm cho việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án tại địa phương. Sở Tài nguyên và Môi trường và các cấp chính quyền địa phương đã quán triệt được ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án; có quyết tâm và chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. Điển hình như tỉnh Đắk Lắk đã chủ động bố trí kinh phí và triển khai thực hiện. Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị tham dự đã trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện cũng như bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn như: về trình phê duyệt Phương án tổng thể về sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp (Phương án tổng thể) và Phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp (Phương án sử dụng đất); về quy định xử lý diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương sau khi rà soát, sắp xếp; về giải quyết đất công ty đang cho thuê, cho mượn; đang bị lấn, chiếm, tranh chấp; đất liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư quy định tại Điều 16 của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP... Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Mai Văn Phấn đặc biệt lưu ý với các đơn vị về tiến độ của Đề án. Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020 thì Đề án phải hoàn thành trong năm 2024. Do vậy, các địa phương cần phải căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, xây dựng kế hoạch và có giải pháp mạnh mẽ để đảm bảo hoàn thành Đề án trong năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Trên cơ sở tiến độ hiện tại của các tỉnh, Phó Tổng cục trưởng đã thống nhất với các địa phương về kế hoạch tiếp tục triển khai Đề án trong thời gian tới, kế hoạch được xây dựng cụ thể với đặc điểm, tình hình của từng địa phương. Đối với phần đất trả về địa phương cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thực hiện theo tiến độ hợp đồng đã ký để đảm bảo tiến độ theo hợp đồng; Chỉ đạo địa phương phối hợp chặt chẽ với nhà thầu trong việc rà soát ranh giới, lập phương án sử dụng đất, đăng ký cấp giấy chứng nhận để đảm bảo không bị ách tắc do công tác phối kết hợp không tốt. Trong quá trình thực hiện, đề nghị các địa phương thường xuyên theo dõi, tổng hợp tiến độ báo cáo về Tổng cục Quản lý đất đai theo định kỳ. Hàng năm tổng hợp báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện và nhu cầu khối lượng và kinh phí để gửi Tổng cục Quản lý đất đai tổng hợp gửi Bộ Tài chính trình Thủ tướng quyết định hỗ trợ cho các địa phương trong các năm tiếp theo để hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án.
Tác giả bài viết: Phòng Tổng hợp - VPTC
Nguồn tin: GDLA