Hiệu quả của mô hình Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp
Đăng lúc: Thứ năm - 29/06/2017 11:32
- Người đăng bài viết: Lê Minh Thùy
Kết quả ghi nhận được sau hơn 1 năm triển khai mô hình Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) một cấp (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) tại TP.Cần Thơ cho thấy, mô hình không chỉ tạo sự chuyên nghiệp, thống nhất trong quản lý và còn tạo thuận lợi để người sử dụng đất thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định.
Hiệu quả của mô hình Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp
Văn phòng ĐKĐĐ một cấp Cần Thơ được thành lập trên cơ sở hợp nhất Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ), thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và 9 Văn phòng đăng ký QSDĐ, thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện. Hiện nay, Văn phòng ĐKĐĐ có trụ sở đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường và 9 chi nhánh tại các quận, huyện. Văn phòng và các chi nhánh có chức năng thực hiện đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai và cung cấp thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định.
Ông Lê Văn Giao, Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ thành phố, cho biết: "Mô hình này đã thống nhất một đầu mối chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý đất đai, đồng thời giải quyết nhiều vướng mắc, tồn tại trong hệ thống Văn phòng Đăng ký QSDĐ 2 cấp trước đây. Mô hình cũng bảo đảm giải quyết TTHC về ĐKĐĐ, tài sản gắn liền với đất một cách đơn giản, thuận tiện theo cơ chế "một cửa"...
Trước đây, hồ sơ ĐKĐĐ, cấp giấy chứng nhận QSDĐ của hộ gia đình, cá nhân được Văn phòng đăng ký QSDĐ cấp huyện thực hiện theo quy định và trình UBND cấp huyện ký giấy chứng nhận. Còn hiện nay, cá nhân, hộ gia đình nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ cấp huyện. Sau khi kiểm tra, thẩm định, hồ sơ sẽ được chuyển đến Văn phòng ĐKĐĐ thành phố. Tại đây, sau khi rà soát, chỉnh lý phù hợp với quy định Luật Đất đai năm 2013, thông tin hồ sơ đất đai được chuyên viên nhập vào cơ sở dữ liệu địa chính; đồng thời, trình lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường ký, cấp giấy chứng nhận rồi trả về UBND cấp huyện trao cho người dân.
Đến nay, số lượng TTHC thuộc lĩnh vực đất đai từ 68 TTHC giảm xuống còn 34 TTHC thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường; từ 42 TTHC giảm xuống còn 11 TTHC thuộc thẩm quyền của quận, huyện; hủy bỏ 30 TTHC thuộc thẩm quyền của xã. Thành phố đã từng bước thực hiện chủ trương giảm đầu mối các cơ quan có thẩm quyền, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC, giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí của người dân và ngân sách nhà nước…
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 49.572 hồ sơ Đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Trong đó, đã giải quyết trả kết quả đúng hẹn là 47.861 hồ sơ; đang thực hiện còn trong hẹn: 1.649 hồ sơ; 62 hồ sơ trễ hẹn. Việc kiểm tra, thẩm định hồ sơ chủ yếu bằng văn bản giấy, sau đó luân chuyển hồ sơ từ Chi nhánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để ký cấp giấy chứng nhận phải mất từ 3-5 ngày đối với các Chi nhánh ở xa như Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của mô hình, ông Lê Văn Giao, Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ thành phố, cho biết: "Văn phòng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực đất đai nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, tập trung vào các nội dung như sự liên thông và gắn kết giữa các thủ tục đầu tư, xây dựng và đất đai trong việc hình thành và triển khai thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất; liên thông trong việc luân chuyển thông tin đất đai cho các cơ quan: Tài nguyên và môi trường, Thuế và Kho bạc Nhà nước trong việc xác định và thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai".