Cao Bằng thu ngân sách từ đất đai và khoáng sản

Đăng lúc: Thứ hai - 18/12/2017 21:26 - Người đăng bài viết: Lê Minh Thùy

Đề án thu ngân sách từ đất đai và khoáng sản là 2 trong 3 đề án được triển khai ở Cao Bằng thời gian qua nhằm tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách địa phương. Sau một thời gian thực hiện, 2 đề án này đã đóng góp trung bình hơn 300 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách trên địa bàn.
 
* Thu hơn 300 tỷ đồng/ năm
Đối với đề án thu ngân sách từ đất đai, từ năm 2012 đến 2016, toàn tỉnh thu được 625,4 tỷ đồng, bình quân 125 tỷ đồng/năm. Trong đó, năm 2012, toàn tỉnh thu được 109,92 tỷ đồng, vượt 61% kế hoạch. Cao nhất là năm 2015 thu được 178,7 tỷ đồng, vượt 21,5% kế hoạch. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện được 5 đợt đấu giá quyền sử dụng đất, thu được 68,4 tỷ đồng, đạt 68,4% kế hoạch.
Hiện Cao Bằng đang triển khai thực hiện kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất một số khu đất tại phường Đề Thám (Thành phố), thị trấn các huyện Bảo Lâm, Hòa An, Quảng Uyên, Thông Nông, Quảng Uyên, Nguyên Bình, thị trấn Bảo Lạc và xã Huy Giáp (Bảo Lạc), dự kiến số thu từ đất trong năm 2017 sẽ đạt 147 tỷ đồng, vượt kế hoạch giao.
Thực hiện Đề án tăng thu ngân sách từ khoáng sản, Sở TN&MT Cao Bằng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng trình UBND tỉnh ban hành Quy định về giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh; Quy định tỷ lệ quy đổi giữa sản lượng khoáng sản đã qua sàng tuyển với sản lượng khoáng sản chưa qua sàng tuyển cho từng loại khoáng sản. Qua rà soát, Sở đã xác định 138 mỏ phải tính, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền gần 230 tỷ đồng.
Kết quả, năm 2014, Cao Bằng thu được 231,7 tỷ đồng từ khoáng sản, vượt 3% dự toán phấn đấu; năm 2015 thu 160 tỷ đồng, đạt 82,2% dự toán phấn đấu; năm 2016 thu được 136,7 tỷ đồng, đạt 87,6% dự toán phấn đấu; 10 tháng năm 2017 thu được 100,9 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2017 số thu từ hoạt động khoáng sản khoảng 126 tỷ đồng, bằng 92,2% số thu năm 2016.
Có thể thấy rằng, triển khai 2 Đề án tăng thu ngân sách từ đất đai và khoáng sản đã đóng góp tích cực vào tăng nguồn thu ngân sách địa phương. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại hạn chế.
Đó là quỹ đất sử dụng cho phát triển của tỉnh hạn chế, khó tìm ra vị trí đấu giá. Thị trường bất động sản của tỉnh chưa phát triển, việc thu hút đầu tư khó khăn nên một số vị trí đã tổ chức đấu giá nhưng không có khách hàng đăng ký. Nguồn vốn đầu tư hạ tầng khó khăn dẫn đến một số khu quy hoạch đưa ra bán đấu giá nhưng chưa đảm bảo về hạ tầng nên giá trúng thầu chưa cao. Với đề án tăng thu từ hoạt động khoáng sản đạt thấp là hiện các mỏ có Giấy phép còn hiệu lực đa số đã ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng; một số mỏ đã phê duyệt cấp quyền khai thác khoáng sản nhưng Giấy phép đã hết hạn dẫn đến không thu được khoản tiền này theo kế hoạch.
Đơn cử trong 30 đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đang nợ 23,3 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tuy nhiên số có khả năng thu chỉ khoảng 13,8 tỷ đồng. 16 đơn vị hoạt động khoáng sản khác đang nợ 57,8 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhưng số có khả năng thu chỉ là 10,9 tỷ đồng.
* Tiếp tục xây dựng kế hoạch tăng thu phù hợp với điều kiện địa phương
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả 2 Đề án tăng thu ngân sách từ đất đai và khoáng sản, Cao Bằng cần xây dựng kế hoạch thu từ đất phù hợp với điều kiện địa phương; nghiên cứu, thẩm định, lựa chọn các vị trí đấu giá có tính khả thi cao; xây dựng giá khởi điểm đấu giá phù hợp với nhu cầu xã hội và người dân.
Đặc biệt, tỉnh cần sử dụng nguồn thu từ đất để tái đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng các khu quy hoạch đưa ra đấu giá, tạo điều kiện cơ sở pháp lý và nâng cao giá trị khu đất trước khi đấu giá. Trong hoạt động khoáng sản, yêu cầu các đơn vị đang hoạt động ổn định nộp đủ số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn nợ. Yêu cầu một số đơn vị khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc hoàn thành nghĩa vụ đóng cửa mỏ để trình phê duyệt điều chỉnh số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản về 0 đồng. Đôn đốc yêu cầu một số đơn vị phải nộp đủ tối thiểu 50% số tiền nợ, sau đó lập hồ sơ điều chỉnh giấy phép. Đối với các đơn vị đã hết hạn Giấy phép khai thác khoáng sản, đã hoàn thành đóng cửa mỏ thì chuyên một phần tiền Ký quỹ bảo vệ môi trường sang bù vào tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn nợ. Dự kiến, khi triển khai các giải pháp này đối với 24 đơn vị đang hoạt động khoáng sản sẽ thu được 16,6 tỷ đồng, chiếm 67% số có khả năng thu. 
Ngọc Minh

Nguồn tin: www.monre.gov.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn