Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 của Quốc hội
Đăng lúc: Chủ nhật - 16/12/2018 23:22
- Người đăng bài viết: Lê Minh Thùy
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Chính phủ đã cùng các địa phương tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo tinh thần của Nghị quyết số 112/2015/QH13 về quản lý và sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông trường, lâm trường.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/4/2016 giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương để tổ chức triển khai thực hiện. Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh; trong đó quy định rà soát, thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích và giao lại cho địa phương để giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số hiện đang thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất. Ban chỉ đạo sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh được thành lập ở Trung ương (gồm 10 Bộ, ngành và ở cấp tỉnh, thành phố do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, thành viên là các sở ngành). Các Ban chỉ đạo đã tiến hành tập huấn, tuyên truyền chính sách, pháp luật và hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai cho cán bộ các cấp, lãnh đạo, cán bộ nghiệp vụ các nông, lâm trường và người lao động. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập tổ công tác liên ngành để phối hợp thực hiện nhiệm vụ và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với việc rà soát, quản lý và sử dụng quỹ đất lâm nghiệp hiệu quả, bền vững. Nhiều Hội nghị quán triệt được tổ chức ở nhiều Bộ, ngành, địa phương như: Hội nghị tổ chức triển khai ngay sau khi Nghị quyết số 112/2015/QH13 được Quốc hội ban hành tại tỉnh Đắk Lắk với tất cả các địa phương có đất nông, lâm trường (ngày 10/12/2015); Hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp năm 2015-2016, nhiệm vụ giải pháp đến năm 2020 tại Hà Nội do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì với sự tham gia của các Bộ, ngành và địa phương có công ty nông, lâm nghiệp; Hội nghị trực tuyến ngày 14/10/2017 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác tại các nông trường, lâm trường; Hội nghị trực tuyến ngày 28/10/2017 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp năm 2015 - 2017 với 45 tỉnh; Hội nghị đánh giá Kết quả thực hiện rà soát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tình hình xử lý những khó khăn vướng mắc về đất đai trong quá trình sắp xếp nông, lâm trường và đề xuất giải pháp trong thời gian tới do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 12/01/2018 tại tỉnh Nghệ An; Hội nghị về công tác quản lý, sử dụng đất đai và kết quả rà soát, đo đạc, cắm mốc, lập bản đồ, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 19/01/2018 tại tỉnh Đắk Nông. Đồng thời, việc xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm để tổ chức việc kiểm tra, thanh tra, đôn đốc và hướng dẫn tại các địa phương, trên cơ sở đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình địa phương; tổng hợp kết quả thực hiện hàng năm để đánh giá kết quả thực hiện và có giải pháp cụ thể cho từng địa phương cũng được coi là một giải pháp thực hiện hiệu quả. Ngoài ra, Chính phủ đã chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát quy hoạch sử dụng đất; đối tượng sử dụng đất; tình trạng hồ sơ kỹ thuật, pháp lý quản lý đất đai (hồ sơ ranh giới sử dụng đất, hồ sơ địa chính, hồ sơ giao đất, cho thuê đất...); xác định nhu cầu khối lượng và kinh phí thực hiện việc rà soát đất đai; lập phương án sử dụng đất; rà soát ranh giới, cắm mốc, đo đạc địa chính; thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận đối với các công ty nông, lâm nghiệp thuộc đối tượng rà soát, sắp xếp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP; phát hiện các tồn tại, hạn chế, vướng mắc để giải quyết kịp thời trong quá trình thực hiện. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch, chương trình, ban hành các cơ chế, chính sách của địa phương về thực hiện quản lý, sử dụng đất đai, sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh. Để đảm bảo tính đồng bộ và tổng thể đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh, Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ xây dựng và hoàn thiện Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng” để tổ chức thực hiện nhằm giải quyết triệt để phần diện tích mà các nông, lâm trường bàn giao về địa phương, quy hoạch, sắp xếp các điểm dân cư tập trung, tách ra khỏi diện tích đất đã giao cho các công ty nông, lâm nghiệp quản lý theo quy định của pháp luật. Tiếp tục rà soát, thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích và giao lại cho địa phương để giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất ở địa phương quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. Thực hiện yêu cầu của Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/4/2016 về thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý đố́i với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng”. Đến nay, Đề án này đã được thẩm định và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến đồng ý với việc ban hành Đề án. Việc triển khai Đề án này sẽ đảm bảo giải quyết toàn diện đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và nông thôn, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, góp phần ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng thụ hưởng chính từ kết quả của Đề án này là hộ gia đình, cá nhân những người trước đây phải nhận khoán hoặc thuê đất sản xuất từ chính các nông trường, lâm trường. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương triển khai việc rà soát, sắp xếp đất đai đối với các công ty nông, lâm nghiệp để hoàn thành theo yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội.