Đề tài: "Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc công chứng, chứng thực khi người sử dụng đất thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật đất đai"

Đăng lúc: Thứ hai - 27/10/2014 04:27 - Người đăng bài viết: Nguyễn Thị Kim Ngân

1. Tên nhiệm vụ: Đề tài: "Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc công chứng, chứng thực khi người sử dụng đất thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật đất đai"
2. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Viện Nghiên cứu Quản lý đất đai
3. Họ và tên chủ nhiệm đề tài: KS. Nguyễn Thị Lơ
4. Nhóm tham gia đề tài:
- ThS. Phạm Thị Thịnh
- ThS. Trần Quang Định
- CN. Nguyễn Thị Minh Tâm
- KS. Trần Văn Tiến
- ThS. Chu Hồng Sơn
- CN. Vũ Thị Minh Huệ
5. Mục tiêu của đề tài:
- Đánh giá thực trạng việc công chứng, chứng thực khi người sử dụng đất thực hiện quyền theo quy định của pháp luật.
- Đề xuất hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật đất đai về công chứng, chứng thực khi người sử dụng đất thực hiện quyền theo quy định của pháp luật đất đai nhằm góp phần quản lý biến động đất đai chặt chẽ và hiệu quả, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
6. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
- Pháp luật hiện hành quy định việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản giao dịch khi thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai nhằm bảo đảm sự chặt chẽ trong hoạt động quản lý đất đai, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất trong quá trình thực hiện các quyền của mình theo quy định của pháp luật; bảo đảm tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng giao dịch, góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, thương mại, góp phần quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính.
Các hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất là những giao dịch rất quan trọng, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với các bên, cần thiết phải qua công chứng và việc công chứng phải bảo đảm công chứng cả hình thức và nội dung để bảo đảm an toàn về mặt pháp lý.
Việc công chứng và chứng thực là hai việc khác nhau, có điều kiện thực hiện khác nhau nên ảnh hưởng khác nhau đến người sử dụng đất khi thực hiện quyền, do đó cần quy định cụ thể đối với từng loại giao dịch, có lộ trình phù hợp chuyển chứng thực hợp đồng giao dịch về quyền sử dụng đất sang công chứng để vừa bảo đảm quản lý được giao dịch, vừa tạo điều kiện cho người sử dụng đất thực hiện giao dịch thuận lợi, dễ dàng.
- Trong thực tế, việc công chứng, chứng thực khi người sử dụng đất thực hiện quyền theo quy định của pháp luật đất đai vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; nhất là việc tổ chức hành nghề công chứng mới thực hiện công chứng về hình thức của hợp đồng giao dịch mà chưa thực hiện về nội dung; vì vậy cần phải sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện quy định và cần phải chú trọng hơn nữa đến việc triển khai, tổ chức thực hiện các quy định này.
- Mức độ quan trọng, ảnh hưởng của các loại hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền của người sử dụng đất đến quyền của người sử dụng đất khác nhau nên cần phân biệt mức độ để không nhất thiết phải quy định thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực như nhau ở các loại quyền. Các hợp đồng liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất là những giao dịch rất quan trọng, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với các bên, cần thiết phải qua công chứng để bảo đảm an toàn về mặt pháp lý. Những loại quyền của người sử dụng đất thực hiện có tính chất thường xuyên hoặc không làm thay đổi lớn về quyền sử dụng đối với đất v.v… thì không nhất thiết phải quy định bắt buộc công chứng .
Trong điều kiện một đề tài cấp cơ sở với thời gian thực hiện ngắn, địa bàn điều tra hạn chế, kinh phí hạn hẹp v.v... nên không có điều kiện đầu tư nghiên cứu sâu, điều tra rộng. Vì vậy, những đề xuất hướng hoàn thiện một số nội dung liên quan đến pháp luật đất đai và pháp luật công chứng như nêu trên đây là sự cố gắng lớn của Nhóm nghiên cứu.
7. Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc: Tháng 6/2013 - 12/2013
8. Kinh phí thực hiện: 190.000.000 đồng

Những tin cũ hơn