Đề tài: “Nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát việc sử dụng đất đối với các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất"

Đăng lúc: Thứ năm - 16/10/2014 04:40 - Người đăng bài viết: Nguyễn Thị Kim Ngân

1. Tên nhiệm vụ: Đề tài: “Nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát việc sử dụng đất đối với các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất"
2. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Cục Quy hoạch đất đai
3. Họ và tên chủ nhiệm đề tài: ThS. Trần Thị Giang Hương
4. Nhóm tham gia đề tài:
- TS. Nguyễn Đình Bồng
- ThS. Ngô Trung Thành
- ThS. Mai Hạnh Nguyên
- KS. Phạm Văn Quý
- KS. Lưu Văn Thịnh
- KTS. Lã Minh Hiếu
5. Mục tiêu của đề tài:
- Đánh giá thực trạng hoạt động giám sát việc sử dụng đất đối với các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
 - Đề xuất cơ chế, phương pháp, nội dung, quy trình giám sát sử dụng đất đối với các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của cơ quan giám sát sử dụng đất thuộc ngành tài nguyên và môi trường.
6. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
- Với chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, vai trò quản lý của nhà nước là tất yếu và vô cùng quan trọng. Để Nhà nước thống nhất quản lý về đất đai thì Nhà nước phải “giám sát” được việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất nói chung, giám sát đối với các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nói riêng.
- Hoạt động giám sát việc sử dụng đất được tiến hành bởi hoạt động giám sát của Quốc hội; hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và công dân; trong đó chủ yếu tập trung vào hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai. Các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai mới triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra mà chưa giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định tại điểm k khoản 2 Điều 6 của Luật Đất đai năm 2003.
 - Trên cơ sở lý luận, pháp lý, các yếu tố ảnh hưởng và các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát việc sử dụng đất; nội dung, đối tượng, trình tự, phương pháp giám sát và thực tế giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cho thấy các quy định pháp luật chưa đầy đủ và khó khả thi để giám sát việc sử dụng đất đối với các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất một cách hiệu quả;
- Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu, tổ chức về giám sát của các Bộ, ngành: đầu tư (Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư), tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Cục Giám sát quản lý về hải quan), ngân hàng (Giám sát ngân hàng)... là những ví dụ về sự hình thành cơ quan giám sát việc sử dụng đất thuộc cơ quan tài nguyên và môi trường.
- Kinh nghiệm giám sát của cơ quan hành chính ở một số nước trên thế giới; đặc biệt là hoạt động giám sát của cơ quan hành chính, trong đó có hoạt động giám sát đất đai của Bộ Tài nguyên Đất đai Trung Quốc được thực hiện tốt và đạt nhiều thành tựu là cơ sở để rút ra bài học kinh nghiệm có thể vận dụng phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.
- Kết quả giám sát, thanh tra, kiểm tra đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác của bộ máy nhà nước nói chung và của lĩnh vực đất đai nói riêng, đã có tác động tích cực trong việc khai thác tiềm năng đất đai phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định xã hội, an ninh lương thực quốc gia, cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường; đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất đối với các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất chưa cao, còn nhiều hạn chế và bất cập, thậm chí nhiều vi phạm đã được phát hiện từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả xử lý;
- Trên cơ sở các nghiên cứu về giám sát việc sử dụng đất đề tài đã đưa ra các đề xuất về: cơ chế chính sách giám sát việc sử dụng đất; nội dung giám sát việc sử dụng đất; phương pháp giám sát việc sử dụng đất; cơ cấu, tổ chức và chức năng nhiệm vụ cơ quan giám sát việc sử dụng đất thuộc ngành tài nguyên và môi trường.
7. Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc: Tháng 6/2011 - 6/2012
8. Kinh phí thực hiện: 1.434.509.000 đồng

Những tin mới hơn