Đề tài: "Nghiên cưu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng lưu trữ, cơ chế quản lý, khai thác và chia sẻ thông tin đất đai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội”
Đăng lúc: Thứ hai - 27/10/2014 03:04
- Người đăng bài viết: Nguyễn Thị Kim Ngân
1. Tên nhiệm vụ: Đề tài "Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng lưu trữ, cơ chế quản lý, khai thác và chia sẻ thông tin đất đai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội”
2. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Trung tâm Lưu trữ và Thông tin đất đai 3. Họ và tên chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Thị Xuân Hương 4. Nhóm tham gia đề tài: - ThS. Hoàng Kim Dung - ThS. Mai Hạnh Nguyên - KS. Nguyễn Hồng Châu - CN. Lê Ngọc Văn - CN. Nguyễn Trường Sơn - CN. Lê Thị Lan Phương 5. Mục tiêu của đề tài: - Mục tiêu tổng quát: Đề xuất mô hình lưu trữ, khai thác thông tin đất đai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. - Mục tiêu cụ thể: Trên cơ sở lý luận và đánh giá những khó khăn, thuận lợi từ kết quả khảo sát thực tiễn, kế thừa các kết quả nghiên cứu trong nước và kinh nghiệm các nước, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác lưu trữ, quản lý, khai thác và xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu đất đai. 6. Kết quả thực hiện (tóm tắt) Công tác lưu trữ tài liệu đất đai, khai thác và chia sẻ thông tin đất đai ra đời là do đòi hỏi khách quan đối với việc bảo quản và tổ chức sử dụng tài liệu về đất đai. Nhà nước ta luôn coi công tác này là một trong những nhiệm vụ của ngành đất đai, là một mắt xích không thể thiếu được trong bộ máy quản lý của mình. Ngày nay, những yêu cầu mới của công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, nhu cầu của xã hội, công tác lưu trữ tài liệu đất đai cần được xem xét từ những yêu cầu bảo đảm thông tin cho hoạt động quản lý, cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bởi thông tin trong tài liệu lưu trữ là loại thông tin có tính dự báo cao đã được thực tiễn kiểm nghiệm, có độ tin cậy cao do nguồn gốc hình thành, do đặc trưng pháp lý, tính chất làm bằng chứng lịch sử của tài liệu lưu trữ quy định. - Tài liệu đất đai được hình thành trong quá trình hoạt động của ngành đất đai nên các yếu tố kinh tế - xã hội có ý nghĩa quyết định, chủ đạo đối với công tác lưu trữ tài liệu đất đai và khai thác, chia sẻ thông tin đất đai. Bên cạnh đó, tài liệu lưu trữ đất đai còn chịu tác động của các yếu tố tự nhiên và các yếu tố do các chất liệu và chế tác tài liệu. - Do tài liệu lưu trữ ngành đất đai thuộc thành phần Phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam nên các đơn vị thực hiện lưu giữ tài liệu đất đai đều phải tuân thủ những văn bản pháp quy chung về lưu trữ. Ngoài ra, để thu thập đầy đủ và bảo vệ được khối tài liệu về đất đai, Nhà nước ta đã ban hành nhiều các văn bản, quy định về lưu trữ tài liệu đất đai. Đó là cơ sở để các đơn vị thu thập, chỉnh lý và bảo quản, khai thác tài liệu phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đất đai và phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. - Kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng công tác lưu trữ tài liệu đất đai và quản lý, khai thác thông tin đất đai cho thấy công tác này đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, thể hiện qua những văn bản pháp lý cơ bản đã được ban hành, thành lập các đơn vị có chức năng lưu trữ và khai thác thông tin đất đai, bố trí kinh phí, nguồn nhân lực, kho lưu trữ và trang thiết bị cần thiết cho công tác lưu trữ tài liệu đất đai, nhờ vậy, khối tài liệu này được thu thập, tổ chức chỉnh lý khoa học, bảo quản tài liệu khỏi sự xuống cấp và mất mát tài liệu. Việc ứng dụng CNTT vào các nghiệp vụ lưu trữ và khai thác, chia sẻ thông tin đất đai bước đầu giúp cho việc quản lý tài liệu, tìm kiếm tài liệu, thông tin nhanh hơn. Một số địa phương đã làm tốt công tác khai thác và chia sẻ thông tin đất đai, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy vậy, công tác lưu trữ tài liệu đất đai, chia sẻ và khai thác thông tin đất đai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tổ chức, tài chính..., đặc biệt là việc vi phạm nguyên tắc quản lý tài liệu tập trung thống nhất và không xé lẻ phông lưu trữ theo quy định của Luật Lưu trữ. Bên cạnh đó là hạn chế của trình độ cán bộ và khả năng ứng dụng CNTT trong các khâu của nghiệp vụ lưu trữ và khai thác thông tin đất đai. - Ngoài 4 nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng lưu trữ, cơ chế quản lý, khai thác và chia sẻ thông tin đất đai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (đó là nhóm giải pháp về tổ chức, cơ chế - chính sách; Nhóm Giải pháp về nghiệp vụ; Nhóm Giải pháp về cơ sở vật chất - hạ tầng công nghệ và nhóm Giải pháp về cơ chế quản lý, khai thác thông tin) cho toàn bộ khối tài liệu ngành đất đai, đề tài còn đề xuất mô hình lưu trữ hiện đại, trong đó kết hợp hài hòa giữa lưu trữ giấy và lưu trữ điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa công tác lưu trữ cũng như khai thác thông tin đất đai. 7. Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc: Tháng 5/2011- 10/2012 8. Kinh phí thực hiện: 1.370.495.000 đồng